Câu chuyện về người cha đầy xúc động dưới đây dựa theo lời kể của Rafael Zoehler. Hãy đọc và tự cảm nhận.
Cái chết luôn bất ngở. Không ai lường được. Kể cả những bệnh nhân ở giai đoạn cuối nghĩ rằng họ sẽ qua đời trong một hoặc hai ngày nữa. Hoặc trong một tuần. Nhưng khi nào không ai biết được.
Chúng ta chẳng bao giờ sẵn sàng cho giây phút đó. Chẳng có thời điểm nào là đúng cả. khi nó đến, bạn có thể vẫn chưa hoàn thành những gì bạn muốn. Cái kết luôn bất ngờ và đó là khoảng khắc đau buồn cho người goá phụ và cho những đứa trẻ chưa hiểu đám tang là gì (Tạ ơn Chúa).
Cha tôi cũng thế. Ông ra đi thật bất ngờ. Ở tuổi 27. Cái tuổi định mệnh của nhiều nhạc sỹ tài danh. Ông còn quá trẻ. Cha tôi không phải là nhạc sỹ cũng không là người nổi tiếng. Căn bệnh ung thư không chừa bệnh nhân nào. Ông ra đi khi tôi còn nhỏ và lần đầu tiên tôi biết đám tang là gì. Lúc đó, tôi chỉ tám tuổi rưỡi. Đủ nhớ ông suốt đời. Giả như ông mất sớm hơn, chắc tôi không có nhiều ký ức về ông. Tôi không cảm thấy đau đớn. Nhưng ký ức về người cha sẽ không tồn tại trong cuộc đời tôi. May mắn thay, tôi có một người cha.
Cha tôi là người hài hước nhưng cương nghị. Ông là người luôn luôn khiến tôi cười trước khi uốn nắn tôi, khiến tôi không cảm thấy buồn. Ông là người luôn hôn lên trán tôi trước khi đi ngủ, là người bắt tôi thích đội bóng mà ông cổ vũ và là người luôn có cách giải thích mọi chuyện cho tôi giỏi hơn mẹ tôi. Ông là người cha mà bất cứ đứa con nào cũng phải nhớ.
Ông chẳng bao giờ nói với tôi là ông sắp mất. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh với vô số các sợi dây truyền dịch, ông không nói một lời. Cha tôi đã vạch sẵn kết hoạch sang năm cho chúng tôi mặc dù ông không chắc mình có qua khỏi hết tháng này. Ông muốn năm tới chúng tôi sẽ đi câu cá, đi du lịch đến những nơi chúng tôi chưa từng đặt chân. Năm tới sẽ là năm tuyệt vời. Chúng tôi luôn có cùng một giấc mơ.
Tôi tin – thực sự là thế – ông nghĩ điều này sẽ đem lại may mắn. Ông là người hơi mê tín. Ý nghĩ về tương lai là cách giúp ông hi vọng. Ý nghĩ kỳ quặc này khiến tôi cảm thấy mắc cười. Ông biết điều đó nhưng ông không nói gì. Vì ông không muốn nhìn thấy tôi khóc.
Bất ngờ, kế hoạch năm tới kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu.
Mẹ tôi đón tôi tại trường học và chúng tôi đi thẳng đến bệnh viện. Bác sỹ thông báo bằng tất cả sự xúc động là các bác sỹ đã không thể làm gì trong năm qua. Mẹ tôi khóc. Bởi bà có chút hi vọng. Tôi cảm thấy choáng váng. Điều này có nghĩa là gì? Ba tôi chỉ bị bệnh thông thường thôi mà. Một căn bệnh mà bác sỹ dễ dàng chữa khỏi. Con ghét cha. Tôi cảm thấy bị phản bội. Tôi giận dữ la lên tại bệnh viện cho đến khi tôi nhận ra cha tôi không ở kế bên để dỗ dành tôi. Tôi bật khóc.
Thế rồi, cha tôi một lần nữa là người cha của tôi. Một y tá ôm hộp đựng giày đến an ủi tôi. Hộp đầy những phong thư trên đó ghi những câu khi nào sẽ mở phong thư. Tôi không hiểu điều gì. Y tá trao tôi lá thư. Lá thư duy nhất nằm ngoài hộp đựng giầy.
Y tá ôm tôi, nói, “cha cháu yêu cầu cô trao cho cháu lá thư này. Ông đã dành cả tuần để viết chúng và ông muốn cháu đọc. Mạnh mẽ lên cháu”.
Tôi mở phong thư trên đó ghi “Khi cha qua đời“
Gửi con,
Khi con đọc những dòng này, cha đã qua đời. Cha xin lỗi. Cha biết mình sắp chết, Cha không muốn cho con biết chuyện gì đã xảy ra vì cha không muốn nhìn thấy con khóc. Cha nghĩ một người sắp chết có quyền hành xử hơi ích kỷ một tí.
Con thấy đó, cha vẫn còn nhiều điều để dặn dò con. Vì con chưa hiểu gì nhiều. Chính vì thế cha viết những lá thư này dành cho con. Con không được mở chúng khi không đúng thời điểm. Đồng ý nhé.
Cha yêu con. Hãy chăm sóc mẹ con vì bây giờ con là người đàn ông duy nhất trong gia đình.
Cha của con.
Tái bút: Cha chẳng viết lá thư nào cho mẹ con cả. Vì mẹ con đã có xe hơi của cha rồi.
Nét chữ ông viết nguệch ngoạc khiến tôi ngừng khóc. Tôi vẫn hiểu mặc dù chữ ông quá xấu. Điều này khiến tôi mỉm cười. Giống như cách cha tôi vẫn chọc tôi cười trước khi uốn nắn tôi.
Chiếc hộp trở nên phần quan trọng nhất đời tôi. Tôi dặn mẹ không được mở. Những lá thư ấy dành cho riêng tôi và không ai được phép đọc. Tôi hiểu những khoảng khắc quan trọng nhất đời người đã được viết bằng tất cả tâm hồn. Nhưng chúng không diễn ra ngay lúc này đây. Và tôi quên đi chiếc hộp.
Bảy năm sau, chúng tôi chuyển đến chỗ mới. Tôi chẳng còn nhớ mình cất chiếc hộp ở đâu. Tôi không thể nhớ. Và thường khi chúng ta không nhớ, chúng ta chẳng bận tâm về nó nữa. Tuy nhiên, một điều gì đó mất đi trong ký ức, không có nghĩa nó biến mất. Nó vẫn còn đâu đó.
Và rồi nó xuất hiện. Những năm tháng tuổi thiếu niên và bạn trai mới của mẹ tôi đã khơi lên những gì cha tôi dự báo nhiều năm trước đó. Mẹ tôi có rất nhiều bạn trai và tôi luôn thông cảm cho bà. Mẹ không đi bước nữa. Tôi không hiểu vì sao nhưng tôi tin cha tôi là tình yêu lớn nhất đời bà. Nhưng gã bạn trai mới của bà thuộc loại vô dụng. Tôi cho là bà đã tự hạ mình khi hẹn hò với gã. Gã không tôn trọng bà. Bà xứng đáng có được nhiều hơn là gã ở quán bar bà gặp.
Tôi vẫn nhớ cái tát bà dành cho tôi miệt thị gã. Tôi thừa nhận mình đáng bị bạt tai. Tôi học được điều này nhiều năm sau đó. Nhưng lúc này má tôi vẫn rát sau cái tát của bà. Bất chợt tôi nhớ đến chiếc hộp và những phong thư trong đó. Tôi nhớ đến phong thư đề “Khi con xung đột với mẹ”
Tôi lục tung phòng mình để tìm và nó khiến tôi lãnh thêm cái tát trên mặt. Tôi tìm thấy chiếc hộp trong va li nằm trên đầu tủ. Tôi giở từng phong thư và nhận ra mình đã quên mở “Khi con có nụ hôn đầu đời”. Tôi hận mình vì điều đó và tôi quyết định phong thư kế tiếp tôi mở sẽ ghi “Khi con quan hệ lầu đầu”. Cuối cùng tôi tôi cũng tìm thấy phong thư tôi đang tìm kiếm.
Giờ con hãy xin lỗi mẹ.
Cha không biết con xung đột chuyện gì và ai đúng, ai sai. Nhưng cha hiểu mẹ con. Một lời xin lỗi chân thành sẽ giúp chuyện này chấm dứt. Ý cha là con quỳ xuống xin lỗi mẹ con.
Vì bà là mẹ con, con trai ạ. Mẹ yêu con hơn bất cứ điều gì trên đời. Con có biết mẹ cố sinh con cách tự nhiên vì bà nghe nói điều đó tốt cho con hơn? Liệu có cần bằng chứng tình yêu nào lớn lao hơn thế chăng?
Hãy xin lỗi. Mẹ con sẽ tha thứ cho con.
Yêu con, cha của con.
Cha tôi không phải là nhà văn vĩ đại. Ông chỉ là thư ký ngân hàng. Nhưng những ngôn từ của ông tác động mạnh đến tôi. Chúng là những ngôn từ đem lại sự khôn ngoan cho đứa trẻ ở tuổi 15. (Mặc dù không dễ gì nhận ra điều này).
Tôi chạy ào đến phòng mẹ và mở cửa. Tôi khóc khi bà quay lại nhìn tôi. Bà đang khóc. Tôi quên mất chuyện bà la mắng tôi. Có lẽ đại khái là “Con muốn gì?” Những gì tôi nhớ là tôi bước đến bà, trên tay cầm phong thư của cha tôi. Tôi ôm choàng lấy bà trong khi vò nhàu phong thư. Bà ôm lấy tôi và cả hai chúng tôi yên lặng.
Thư cha tôi khiến bà bật cười. Chúng tôi thấy bình an và nói chuyện đôi chút về cha tôi. Mẹ tôi kể về những thói quen lập dị của ông như ăn xúc xích Ý với dâu tây. Cách nào đó, tôi cảm thấy ông như đang ở bên chúng tôi. Tôi, mẹ tôi và một phần ký ức về ông, những phong thư. Tôi cảm thấy bình an.
Chẳng bao lâu sau, tôi mở phong thư “Khi con quan hệ lầu đầu”:
Chúc mừng con trai,
Đừng lo lắng vì mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Lần đầu tiên của cha là với người phụ nữ xấu tệ, một cô gái bán hoa, con ạ.
Nỗi e ngại lớn nhất của cha là con hỏi mẹ con mất trinh là gì sau khi đọc những gì cha viết cho con.
Yêu con, cha của con.
Cha tôi theo tôi từng bước trong suốt hành trình đời người. Ông luôn đồng hành với tôi mặc dù ông không gần tôi nữa. Những lời khuyên của ông không ai có thể đem lại cho tôi: chúng đem lại cho tôi sức mạnh để vượt qua vô số thử thách trong đời sống. Ông luôn mỉm cười khi mọi chuyện trở nên tệ hại và luôn khiến tôi bình an trong những phút giây tôi mất bình tĩnh.
“Khi con kết hôn” là phong thư đem lại cho tôi nhiều cảm xúc. Nhưng tôi xúc động nhất khi đọc “Khi con trở thành người cha”.
Giờ thì con hiểu tình đích thực là gì rồi con trai. Con sẽ nhận ra con con yêu vợ mình biết bao nhưng tình yêu đích thực chính là tình yêu con dành cho sinh linh nhỏ bé này. Cha không đoán được cháu cha là con trai hay con gái. Cha chỉ là bóng ma, không phải là người bói toán, con trai ạ.
Hãy vui. Vì đây là điều vĩ đại. Thời gian vụt bay. Đừmg bao giờ nuối tiếc giây phút nào vì chúng không trở lại bao giờ. Hãy tập thay tã cho con, tắm cho con, và trở thành mẫu người lý tưởng cho con của con. Cha cho rằng con có tất cả để trở thành người cha tuyệt vời. Giống như cha.
Phong thư đau đớn nhất cũng là phong thư ngắn nhất cha tôi gửi cho tôi. Ông viết vỏn vẹn có bốn từ, nhưng tôi tin ông phải đau buồn nhiều khi nghĩ đến khoảng khắc tôi phải trải qua trong cuộc đời. Cuối cùng thì tôi cũng phải mở phong thừ này, “Khi mẹ con qua đời”:
Bây giờ mẹ con thuộc về cha [She is mine now].
Thật hài hước. Cha tôi giống như chú hề giống đi nỗi buồn đằng sau khuôn mặt hài hước. Tuy nhiên, đây lại là phong thư duy nhất khiến tôi không cười nổi. Vì tôi hiểu lý do.
Tôi luôn giữ thoả thuận giữa tôi và cha tôi. Tôi không bao giờ mở phong thư trước thời hạn của chúng.
Tôi luôn chờ đợi đúng khoảng khắc, đúng phong thư như những bài học cha tôi dạy tôi. Điều kỳ diệu là chàng trai 27 tuổi có thể dạy một ông cụ 85 tuổi như tôi.
Lúc này tôi đang nằm trong bệnh viện, với ống thở trong mũi và trong họng vì căn bệnh ung thư. Tôi run run mở phong thư bạc màu, phong thư cuối cùng tôi chưa mở. Trên phong thư ghi, “Khi đến giờ của con”.
Thực lòng tôi sợ, tôi không muốn mở. Tôi không muốn tin giờ tôi đã đến gần. Tôi vẫn còn le lói hi vọng. Chẳng ai muốn chết.
Tôi hít một hơi thật sâu, mở phong thư.
Chào con trai. Cha hi vọng lúc này con đã là ông cụ.
Con có biết đây là phong thư cha viết dễ dàng nhất và là phong thư đầu tiên cha viết không? Phong thư này khiến cha không còn lo mất con. Cha nghĩ lúc này đầu óc con đã trở nên sáng suốt hơn khi con đang chạm đến cái kết đời mình. Thật dễ dàng khi nói về điều này.
Trong những ngày này, cha nghĩ nhiều về đời cha. Cha có cuộc sống vắn vỏi nhưng hạnh phúc. Cha là người cha của con và là người chồng của mẹ con. Cha còn đòi hỏi gì thêm? Nó đem lại cho cha sự bình an. Giờ con cũng thế, con trai ạ.
Đây là lời khuyên cha dành cho con: con không phải sợ.
Tái bút: Cha nhớ con.
Rafael Zoehler
Hoàng Nguyễn lược dịch từ Medium